Bất động sản là một trong những nhóm cổ phiếu hot nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam và hầu hết các nhà đầu tư đều quan tâm tới cổ phiếu nhóm này. Tuy vậy, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua một thời gian rất khó khăn khi liên tục đối mặt với vấn đề thanh khoản, nợ trái phiếu, tín dụng bị siết chặt… Nhưng cũng chính thời điểm này là lúc để “thanh lọc” thị trường, và những doanh nghiệp bật động sản đủ mạnh sẽ có thể tiếp tục tồn tại và phát triển được.
Vì vậy, nếu bạn đang quan tâm tới cổ phiếu bất động sản, thì dưới đây là danh sách top 12 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam, được lựa chọn qua các tiêu chí: Có cổ phiếu được nêm yết, vốn hóa lớn, là doanh nghiệp uy tín và hoạt động lâu lăm, có thương hiệu, có nhiều dự án lớn, cổ phiếu có tính thanh khoản cao. vv..vv…. Hãy cùng DautuX.vn tìm hiểu xem chúng là những doanh nghiệp nào, có đặc điểm gì và những thách thức phải đối mặt của chúng ra sao nhé.
Nội dung
- 1 Top 12 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam
- 1.1 TẬP ĐOÀN VINGROUP – CÔNG TY CỔ PHẦN (VIC)
- 1.2 CÔNG TY CỔ PHẦN VINHOMES (VHM)
- 1.3 CÔNG TY CỔ PHẦN VINCOM RETAIL (VRE)
- 1.4 CÔNG TY CP TẬP ĐOÀN ĐẦU TƯ ĐỊA ỐC NOVA (NVL)
- 1.5 TỔNG CTCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN XÂY DỰNG (DIG)
- 1.6 CTCP PHÁT TRIỂN BẤT ĐỘNG SẢN PHÁT ĐẠT (PDR)
- 1.7 TỔNG CÔNG TY PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ KINH BẮC (KBC)
- 1.8 CÔNG TY CP TẬP ĐOÀN ĐẤT XANH (DXG)
- 1.9 CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN C.E.O (CEO)
- 1.10 CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ NAM LONG (NLG)
- 1.11 CTCP ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH NHÀ KHANG ĐIỀN (KDH)
- 1.12 CTCP TẬP TOÀN KHẢI HOÀN LAND (KHG)
Top 12 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam
Năm vừa qua là một năm đầy thách thức đối với toàn doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam khi cả nguồn cung và cầu tuy có tăng lên, nhưng vẫn rất kém so với thời điểm trước dịch. Khác với kỳ vọng rằng thị trường BĐS sẽ quay đầu tăng trưởng mạnh khi đại dịch kết thúc, thì ngay lập tức ngành BĐS phải đối mặt với vô số thách thức, cụ thể:
- Tín dụng ngân hàng bị thắt chặt: Mặc dù NHNN đã tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng nhưng chủ yếu nguồn tiền này lại được ưu tiên cho nhóm SX-KD. Hơn nữa, các ngân hàng còn đặt ra những yêu cầu khắt khe trong việc giải ngân, ví dụ như hạn chế cho vay để đặt cọc mua nhà hay cần phương án chi tiết khi xây nhà. Những điều này đã góp phần không nhỏ khiến cho nhu cầu của thị trường bất động sản không thể phục hồi mạnh được.
- Kênh trái phiếu huy động vốn bị kiểm soát: Với Nghị định 65, Chính phủ ban hành nhiều quy định mới siết chặt hơn dòng vốn từ trái phiếu như bắt buộc xếp hạng tín nhiệm, nâng cao yêu cầu nhà đầu tư chuyên nghiệp, hay phải có phương án sử dụng vốn cụ thể. Với hàng loạt các quy định mới này, nhiều doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam đều gặp khó trong việc phát hành trái phiếu, dẫn đến không thể tiếp cận được kênh huy động vốn dồi dào này, khiến rất nhiều dự án phải trì hoãn chờ nguồn tiền.
- Lãi suất liên tục tăng cao: Điều này đã gây áp lực lớn cho người mua nhà và chủ đầu tư. Lãi suất tăng mạnh là do chịu áp lực từ các yếu tố vĩ mô, và hiện nay đang dao động trên mức 10%/năm, cao nhất kể từ 2015. Sức ép lớn từ việc này không những khiến lực cầu bị hạn chế do người mua nhà ngại lãi vay, mà còn khiến giá nhà bị giảm sút do nhiều người không thể trả lãi phải bán nhà. Từ đó dẫn đến giá mặt bằng chung giảm và gây khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam khi chào bán các sản phẩm mới hoặc phải giảm giá bán.
Nhìn chung, những thách thức, khó khăn kể trên là tình hình chung của hầu hết các doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam có mặt trên TTCK. Vì vậy khi đi sâu vào từng doanh nghiệp, chúng mình sẽ không nhắc qua về những điều này. Vậy doanh nghiệp nào đủ lớn mạnh để có thể tồn tại trước thị trường đầy khó khăn? Dưới đây là 12 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam bạn cần biết:
TẬP ĐOÀN VINGROUP – CÔNG TY CỔ PHẦN (VIC)
Thông tin cơ bản về Vingroup
- Tên viết tắt: Vingroup
- Mã chứng khoán: VIC
- Sàn niêm yết: HOSE
- Website: https://vingroup.net/
Nhắc đến doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam, chắc chắn không thể bỏ qua VINGROUP. Tập đoàn này được thành lập năm 2002, với tên ban đầu là Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Việt Nam, mức vốn điều lệ ban đầu là 196 tỷ đồng. Tới 2007, cổ phiếu VIC giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). VINGROUP hiện nay được biết đến là tập đoàn đa ngành, đa nghề, nhưng lĩnh vực chính vẫn là bất động sản.
Các lĩnh vực kinh doanh chính của Vingroup bao gồm Kinh doanh bất động sản; Dịch vụ cho thuê văn phòng, nhà ở, máy móc, thiết bị công trình; Kinh doanh khách sạn; Dịch vụ giải trí, vui chơi; Dịch vụ làm đẹp thẩm mỹ; Dịch vụ ăn uống, giải khát; Xây dựng Dân dụng và công nghiệp; Dịch vụ y tế…

Vị thế của Vingroup trong ngành
- Tính tới thời điểm hiện tại, VIC là chủ đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam với lượng quỹ đất khoảng hơn 177 triệu m2.
- VIC đã đưa vào vận hành 27 dự án với gần 85,300 căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại được bàn giao. Ngoài ra, tập đoán này cũng đã phát triển, sở hữu và vận hành 80 trung tâm thương mại, và các con số này không ngừng tăng lên qua các năm.
- Vingroup còn sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng ở các lĩnh vực khác như: Vìnast, Vinpearl, Vinschool…
Hiện nay, Vingroup đang định hướng đẩy mạnh mảng VinFast, với mục tiêu trở thành một trong những công ty xe điện thông minh hàng đầu thế giới, cũng như ra mắt nhiều mỗi điện thoại thông minh Vsmart. Còn ở lĩnh vực bất động sản, Vingroup vẫn không ngừng tìm kiếm và mở rộng quy mô quỹ đất trên khắp cả nước, để tiếp tục mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái, tạo ra một đại đô thị có quy mô vượt trội.
Triết lý đầu tư bất động sản của VIC là chỉ thu mua các khu đất ở vị trí đắc địa, độc nhất tại 2 thành phố lớn Hà Nội, Hồ Chí Minh và 1 số thành phố biển du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng. Bởi vì, những khoản đầu tư này đảm bảo cho VIC không bị mất giá trị kể cả khi thị trường bất động sản trầm lắng. Không chỉ vậy, các dự án có vị trí đắc địa cho phép VIC có được hợp đồng độc quyền với các thương hiệu lớn trong phân khúc bán lẻ.
Rủi ro phải đối mặt của Vingroup
- Vingroup là một tập đoàn đa ngành với thế mạnh là bất động sản, nhưng cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Đặc biệt là trong những năm gần đây, mức độ cạnh tranh trên thị trường cho thuê mặt bằng trung tâm thương mại, mặt bằng bán lẻ, cho thuê văn phòng và căn hộ đang ngày càng trở nên gay gắt.
- Vingroup hiện tại phải đối phó với “thù trong” là các Doanh nghiệp trong nước như tập đoàn Bitexco, Trần Anh Group, Novaland, Đất Xanh Group, tập đoàn Hưng Thịnh, công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai…cùng “giặc ngoài” là các tập đoàn đến từ ngoại quốc như Ciputra Group, Land Capital, Keppel Land.
- Kinh doanh đa ngành nghề nên doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam này luôn phải đối mặt với thách thức từ chính các lĩnh vực đó: ví dụ như dịch bệnh làm ảnh hưởng đến du lịch, nghỉ dưỡng…, hay kế hoạch kinh doanh Vinfast luôn ghi nhận kết quả lỗ. Điều này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận chung của doanh nghiệp.
CÔNG TY CỔ PHẦN VINHOMES (VHM)
Thông tin cơ bản về Vinhomes
- Mã chứng khoán: VHM
- Sàn niêm yết: HOSE
- Website: https://vinhomes.vn/vi
Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM) có tiền thân là Công ty Cổ phần Đô thị BIDV-PP được thành lập năm 2008. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực phát triển, chuyển nhượng, vận hành và khai thác bất động sản nhà ở phức hợp. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Vinhomes là một công ty con thuộc Tập đoàn Vingroup. Vinhomes được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) từ tháng 05/2018, với mã cổ phiếu VHM.
Vị thế của Vinhomes trong ngành
- Hiện tại, Vinhomes là doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực phát triển và chuyển nhượng bất động sản nhà ở.
- Vinhomes đã đưa vào vận hành 27 khu đô thị tại bảy tỉnh thành trên cả nước, với hơn 97.200 căn hộ, biệt thự và nhà phố, phục vụ hơn 300.000 cư dân, tổng diện tích quỹ đất lên đến hơn 16.800 ha.
- Giai đoạn 2017 – 2022, VHM là đơn vị phát triển bất động sản dẫn đầu tại Việt Nam với thị phần tổng hợp các phân khúc 27%, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh khác.
- Các dự án của Vinhomes của là các dự án khu đô thị phức hợp, quy mô lớn, hạ tầng phát triển đồng bộ với nhiều tiện ích và dịch vụ, phát huy tối đa lợi thế của hệ sinh thái Vingroup. Chính vì vậy, Vinhomes được xem là nhà kiến tạo cộng đồng, không chỉ thuần túy cung cấp các sản phẩm bất động sản riêng lẻ, mà còn mang đến cho cư dân một môi trường sống chất lượng, văn minh, xanh, sạch và hiện đại.


Triển vọng của Vinhomes trong thời gian tới
- Trong thời gian sắp tới, VHM sẽ tiếp tục ra mắt của dự án Vinhomes Ocean Park 3 – The Crown và Vinhomes Golden Avenue tại Quảng Ninh.
- Về dài hạn hơn, VHM cho biết hai dự án trọng điểm của doanh nghiệp vẫn triển khai đúng tiến độ, đó là Green Hạ Long và Vinhomes Cần Giờ. Đây là hai siêu dự án với tổng vốn đầu tư mỗi dự án hơn 10 tỷ USD. Vinhomes Green Hạ Long và Vinhomes Long Beach Cần Giờ sẽ là động lực tăng trưởng cho VHM từ 2024-2025 trở đi.
- Đặc biệt, VMI đã ra mắt cũng là động lực giúp VHM phát triển. Cụ thể, VMI sẽ mua các bất động sản của VHM và sau đó ký hợp đồng hợp tác kinh
doanh với các nhà đầu tư cá nhân. Sau đó, các nhà đầu tư sẽ được hưởng mức lợi nhuận chia sẻ từ sự tăng giá BĐS của VHM sau khi VMI bán đi trong thời hạn đầu tư 5 năm. Điều này sẽ giúp mở rộng tệp khách hàng cho các dự án sắp tới của VHM, không chỉ hướng đến các cá nhân có thu nhập trung bình cao mà còn tạo ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư có vốn nhỏ hơn.
Tình hình tài chính của Vinhomes
Có một điều chúng ta cần biết, đó là VHM là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam có tình hình tài chính lành mạnh. Tổng tài sản của VHM luôn tăng trong suốt lịch sử hoạt động kinh doanh, đạt 341,6 nghìn tỷ đồng (+48,3% so với đầu năm) tính đến ngày 30/09/2022. Tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu (VCSH) của VHM vẫn ở mức thấp so với các công ty cùng ngành. Tỷ lệ nợ ròng/VCSH của VHM là 17,3%, đây là mức rất an toàn đối với một doanh nghiệp bất động sản.
Trong cơ cấu nợ (tổng nợ 40,2 nghìn tỷ đồng), 24% đến từ trái phiếu trong nước, 36% đến từ vay ngân hàng, 39% còn lại đến từ vay đối tác và các nguồn khác. VHM tiếp tục tập trung vay VND, chiếm 100% tổng dư nợ, điều này đã giúp loại bỏ hoàn toàn rủi ro tỷ giá đối với khoản vay của VHM. Hiện tại, VHM có 3.340 tỷ đồng trái phiếu và 18.243 tỷ đồng khoản vay ngân hàng đáo hạn trong vòng 1 năm tới. Các ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay thế chấp đối với những công ty có tài sản chất lượng như VHM, nên chắc chắn VHM sẽ không phải đối mặt với áp lực về trái phiếu và thanh khoản.

Rủi ro phải đối mặt của Vinhomes
Rủi ro của VHM hiện tại sẽ chỉ là rủi ro của toàn ngành bất động sản, liên quan đến lãi suất tăng mạnh, thị trường vốn bị siết chặt, hay những rủi ro pháp lý trong việc phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng…
CÔNG TY CỔ PHẦN VINCOM RETAIL (VRE)
Thông tin cơ bản về Vincom Retail
- Mã chứng khoán: VRE
- Sàn niêm yết: HOSE
- Website: https://vincom.com.vn/
CTCP Vincom Retail (VRE) có tiền thân là Công ty TNHH Vincom Retail, là doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam được thành lập vào năm 2012. VRE cũng là công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup (VIC). Hoạt động của VRE là phát triển và vận hành hệ thống trung tâm thương mại mang thương hiệu Vincom của tập đoàn. Hiện tại, VRE đang hoạt động chính lĩnh vực cho thuê các trung tâm thương mại bán lẻ và các dịch vụ liên quan, cũng như đầu tư phát triển và kinh doanh các loại hình bất động sản với 4 mô hình sản phẩm: Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza và Vincom+

Vị thế của Vincom Retail trong ngành
- Vincom Retail (VRE) hiện luôn giữ vững vị thế số 1 tại thị trường Việt Nam về mạng lưới và độ phủ sóng thương hiệu trung tâm thương mại trên toàn quốc.
- Vincom Retail hiện đang sở hữu 83 TTTM trên toàn quốc, có mặt tại 43 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích mặt sàn bán lẻ đạt khoảng 1.75 triệu m2; tiếp tục là đối tác đồng hành của nhiều thương hiệu quốc tế (như Uniqlo, H&M, Mango…).
- Ngoài hoạt động cho thuê mặt bằng tại các Trung tâm thương mại, VRE còn phát triển nhà phố thương mại (shophouse) xung quanh một số Trung tâm thương mại Vincom Plaza, Trung tâm mua sắm Vincom+ và tháp văn phòng và căn hộ để bán tại một số Trung tâm thương mại Vincom Center.
Hiện tại, doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam này vẫn không ngừng mở rộng quy mô của mình. Trong năm 2022, VRE là chủ đầu tư duy nhất mở mới với 3 trung tâm thương mại (TTTM), bao gôm Vincom Megamall Smart City tại Hà Nội, Vincom Plaza Bạc Liêu và Vincom Plaza Mỹ Tho, nâng tổng số TTTM lên 83 và tổng diện tích sàn thuê thương mại lên 1.75 triệu m2.
Trong thời gian tới, VRE sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống khi sắp sửa đưa vào hoạt động VMM Grand Park (TP HCM) và Vincom Plaza tại Hà Giang. Theo đó, tổng diện tích sàn thương mại ước tăng 5.7% trong 2023. Với việc lượng khách ghé đến các TTTM ngày càng đông, và VRE với vị thế và thương hiệu lớn chắc chắn sẽ luôn là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất khi nhu cầu thuê sàn thương mại đang dần phục hồi.
Rủi ro phải đối mặt của Vincom Retail
Các TTTM lớn của VRE thường đi kèm với các khu đô thị của Vinhomes, do đó khi thị trường bất động sản gặp khó khăn thì kế hoạch mở rộng của VRE cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
CÔNG TY CP TẬP ĐOÀN ĐẦU TƯ ĐỊA ỐC NOVA (NVL)
Thông tin cơ bản về Novaland
- Mã chứng khoán: NVL
- Sàn niêm yết: HOSE
- Website: https://www.novaland.com.vn/
Novaland là doanh nghiệp bất động sản lâu đời, được thành lập vào ngày 18/09/1992 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn. Đến tháng 12/2016, cổ phiếu của doanh nghiệp chính thức được niêm yết và giao dịch trên HOSE với mã NVL. Novaland có hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tập trung vào triển khai dự án nhà ở và dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các vị trí chiến lược của hầu hết các quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Vị thế của Novaland trong ngành
- NVL hiện đang sở hữu quỹ đất lên tới gần 5000 ha, và đã đầu tư và phát triển gần 50 dự án nhà ở và dự án BĐS du lịch, với nhiều loại hình sản phẩm đa dạng như: căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại, lô văn phòng 24/24, biệt thự nghỉ dưỡng có thương hiệu….
- Bên cạnh đó, NVL đã xây dựng 1 dự án bất động sản Khu đô thị vệ tinh, có hơn 60,000 sản phẩm đã và đang phát triển với lượng khách hàng tiềm năm hơn 260,000 khách hàng.
- Một số dự án góp phần tạo nên tên tuổi của Novaland: Dự án đô thị Sinh thái Thông minh Aqua City: với quy mô gần 1,000 ha tại xã Long Hưng, TP. Biên Hòa, Đồng Nai; Dự án “Siêu thành phố biển – du lịch – sức khỏe” NovaWorld Phan Thiet: có quy mô gần 1,000 ha, trải dài 7km đường biển tại TP. Phan Thiết, Bình Thuận; Dự án “Tổ hợp Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí” NovaWorld Ho Tram: có quy mô 1,000 ha, chia làm 10 giai đoạn phát triển tại đường ven biển Hồ Tràm, Bà Rịa – Vũng Tàu;…, cùng nhiều dự án tiêu biểu khác.

Thách thức phải đối mặt của Novaland
Thời gian qua, NVL có lẽ là doanh nghiệp được báo chí nhắc tới nhiều nhất khi liên tục khất nợ trái phiếu. Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ vay của Novaland là 64,6 nghìn tỷ đồng, và gần 40% số nợ đó sẽ đáo hạn trong 12 tháng tới với phần lớn là trái phiếu. Trong khi đó, nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của Novaland vào cuối năm 2022 đã tăng lên 123,9%. Với việc khó khăn trong thanh khoản, nguồn vốn bị siết chạy, nhiều trái phiếu đến kỳ hạn sẽ luôn là một áp lực RẤT LỚN và KHÓ KHĂN để Novaland có thể vượt qua.
TỔNG CTCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN XÂY DỰNG (DIG)
Thông tin cơ bản về DIG
- Tên viết tắt: DIC
- Mã chứng khoán: DIG
- Sàn niêm yết: HOSE
- Website: https://www.dic.vn/
Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) là doanh nghiệp có tới gần 3 thập kỷ hoạt động từ năm 1990 trên nhiều lĩnh vực như khách sạn, dịch vụ du lịch, thương mại, đầu tư phát triển Bất động sản, xây dựng … DIC có thế mạnh trong đầu tư phát triển bất động sản và doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp này cũng đến từ việc kinh doanh bất động sản. Mảng kinh doanh BĐS dân cư là mảng tạo ra doanh thu trọng yếu cho DIC, kế đến là doanh thu kinh doanh từ bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Vị thế của DIG trong ngành
- DIG là một doanh nghiệp bất động sản lớn ở Việt Nam, có quỹ đất sạch lớn và mức độ an toàn tài chính cao. DIG đã thực hiện đầu tư vào các dự án lớn như Dự án Khu đô thị Trung tâm Chí Linh – Vũng Tàu, Khu đô thị du lịch Đại Phước – Đồng Nai, Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên – thành phố Vĩnh Phúc và nhiều dự án tiềm năng khác trên khắp Việt Nam.
- Là một nhà phát triển bất động sản dân cư với quy mô tương đối lớn, sở hữu quỹ đất sạch lên đến 8.000 ha ở các vị trí đắc địa trên nhiều tỉnh thành, đáng kể nhất là tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Hậu Giang, Hà Nam,…, tập trung tại các khu vực vệ tinh của các thành phố lớn.
- Một số dự án tiêu biểu đã và đang thực hiện của DIG bao gồm: Khách sạn DIC Star Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc; KĐT mới Nam Vĩnh Yên, KDL sinh thái Hồ Ba Hang, KDL DIC Star – Đồng Hới; Nhà ở Him Lam Centerpoint – Hà Nam; KĐT du lịch sinh thái Đại Phước và Long Tân – Đồng Nai…Cap Saint Jacque, DIC Star Vũng Tàu, Pullman Hotel & Resort Vũng Tàu, Landmark Residence, Khu dân cư ATA và Khu dân cư thương mại Vị Thanh…

Thách thức phải đối mặt của DIG
- Nhiều năm trở lại đây, DIG liên tục đặt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư lớn, nhưng tỷ lệ đầu tư thực tế không cao. Lý do là vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại các dự án trọng điểm như Khu trung tâm Chí Linh, Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu, Khu đô thị du lịch Long Tân… Tỷ lệ giải phóng mặt bằng tại các dự án này rất thấp, chẳng hạn Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu đạt 11,55/90,5 ha; Khu đô thị du lịch Long Tân đạt 156,15/331,9 ha…
- Song song với đó là việc giải ngân đầu tư công chậm cùng giá đất liên tục tăng, kết hợp với việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng đã làm tổng vốn đầu tư các dự án tăng nhanh. Đây là lý do khiến DIG phải liên tục huy động thêm vốn, từ việc phát hành cổ phiếu đến tăng vay nợ, để bổ sung nguồn tiền triển khai các dự án.
- Dòng vốn đang bị siết, làm kênh trái phiếu gặp khó, DIG đã phải mua lại 1.600 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong tổng 3.500 tỷ đồng trái phiếu.
- Hiện nay lượng tiền mặt và tương đương tiền, bao gồm cả giá trị đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của DIG đang ở mức thấp, chỉ đạt gần 400 tỷ đồng (3,4% TTS) và không đủ để thanh toán các khoản nợ vay ngắn hạn có giá trị hơn 541 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc liên tục gia tăng hàng tồn kho và phải thu cũng khiến dòng tiền kinh doanh của DIG bị âm, vì thế tình trạng thiếu hụt thanh khoản kể trên có thể làm ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp này.
CTCP PHÁT TRIỂN BẤT ĐỘNG SẢN PHÁT ĐẠT (PDR)
Thông tin cơ bản về PDR
- Mã cổ phiếu: PDR
- Sàn niêm yết: HOSE
- Website: https://www.phatdat.com.vn/
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) có tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Phát Đạt, là doanh nghiệp được thành lập vào năm 2004. Lĩnh vực hoạt động chính của PDR là đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, nhà ở, kinh doanh dịch vụ khu du lịch, khách sạn, resort cao cấp. Hiện nay. PDR vẫn không ngừng mở rộng danh mục đầu tư vào nhiều dự án Bất động sản trên địa bản cả nước, hướng đến trở thành một trong những nhà đầu tư Bất động sản lớn mạnh tại Việt Nam. Cổ phiếu PDR chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) từ năm 2010.
Vị thế của PDR trong ngành
- Doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam này hiện đang nắm giữ hơn 440 ha quỹ đất, tập trung tại các địa phương giàu tiềm năng như Bình Định, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc …
- PDR cũng sở hữu 28.5 ha đất chuyển đổi từ các dự án BT trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, và dự án BT Xây dựng hạ tầng kỹ thuật nội bộ khu I (Khu Cổ đại); những phần đất đối ứng cho PDR đều nằm vị trí đắc địa, có tiềm năng cao.
từ những dự án này trong tương lai. - PDR là doanh nghiệp đầu tiên sử dụng chứng nhận chất lượng Burea Veritas cho dự án căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại và là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng thương hiệu Westin danh tiếng cho việc thực hiện các dự án khách sạn resort cao cấp tại Cam Ranh, Hội An và Phú Quốc.
- PDR đã xây dựng thành công thương hiệu The EverRich do Công ty làm chủ đầu tư. Một số dự án lớn có thể kể đến: Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội, Astral City, Ever Rich 1, Ever Rich 2, Ever Rich 3, Millennium, The Ever Rich Infinity, Khu dân cư Phát Đạt Bàu Cả

Tiềm năng trong tương lai của PDR
- Thời gian tới, PDR sẽ tích cực đẩy mạnh cơ hội phát triển các dự án mới tại Bình Dương, Đồng Nai, Phú Quốc, Bà Rịa – Vũng Tàu… bên cạnh các thị trường mà Công ty đã có uy thế vững chắc. Việc kiểm soát dịch hiệu quả của Việt Nam trong thời gian qua tạo nền tảng tốt cho khả năng phục hồi nhu cầu về căn hộ nghỉ dưỡng cũng như khu du lịch trong 3 – 5 năm tới, trùng thời điểm chào bán của các dự án của PDR.
- Mục tiêu PDR hướng đến chính là các đô thị loại II ven biển, thuộc các địa phương đã phát triển hạ tầng du lịch nhất định và có chính sách cởi mở với doanh nghiệp. PDR đã chọn Quảng Ngãi, Bình định và Phú Quốc để triển khai đầu tiên và nhanh chóng gặt hái được những thành công lớn và xác lập vị thế vững chắc tại các thị trường này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đang có kế hoạch mở rộng ra các đô thị trẻ xung quanh TP.HCM như Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu với tiêu chí tương tự.
- PDR cũng bước chân vào mảng bất động sản khu công nghiệp với khu logistic rộng 24 ha gần cảng Cái Mép (vốn đầu tư hơn 1,136 tỷ đồng). Tuy quy mô này chưa đáng kể so với các doanh nghiệp khác, nhưng đây là bước khởi đầu của PDR trong việc đa dạng hoá sản phẩm và ổn định nguồn tiền.
Thách thức phải đối mặt của PDR
PDR vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với doanh thu chỉ hơn 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 1.228 tỷ đồng. Doanh thu của công ty tụt giảm mạnh trong quý này do nguồn thu chính từ chuyển nhượng đất, hàng hóa bất động sản đều bằng 0.
- Về lợi nhuận, do lĩnh vực chính không phát sinh doanh thu dẫn đến quý vừa qua PDR lỗ 229 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái PDR lợi nhuận dương hơn 751 tỷ đồng.
- Về các khoản nợ, tính đến hết quý IV/2022, tổng nợ của PDR là hơn 13.500 tỷ đồng. Trong đó, dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 2.667 tỷ đồng, tăng 1.860 tỷ đồng; dư vay nợ thuê tài chính dài hạn hiện tại 1.772 tỷ đồng.
Đối với các khoản nợ vay này, phần lớn PDR vay từ các ngân hàng, thời gian đáo hạn trong vài năm tới. Tuy nhiên, tổng nợ vay trái phiếu hơn 2.500 tỷ đồng PDR phải trả trong năm 2023. Đây là áp lực rất lớn đối với PDR trong năm nay.
TỔNG CÔNG TY PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ KINH BẮC (KBC)
Thông tin cơ bản về KBC
- Mã chứng khoán: KBC
- Sàn niêm yết: HOSE
- Website: http://www.kinhbaccity.vn/
Công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc là doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam được thành lập ngày 27/03/2002. Doanh nghiệp này hoạt chính trong lĩnh vực đầu tư, phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị. Ngoài bất động sản, thì KBC cũng liên doanh đầu tư trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, khai khoáng; năng lượng, viễn thông. Cổ phiếu KBC chính thức được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) từ năm 2009.
Vị thế của KBC trong ngành
- KBC luôn giữ vị thế số 1 trong lĩnh vực phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp.
- KBC hiện đang đang nắm quyền quản lý nhiều KCN như: KCN Quế Võ – Bắc Ninh; KCN Tràng Cát – Hải Phòng; Tổ hợp văn phòng, Trung tâm thương mại, Khách sạn 6 sao – Mỹ Đình – Hà Nội…
- Kông chỉ giữ vững vị trí số 1 về Bất động sản mà KBC hiện còn là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư nước ngoài FDI, nhất là thu hút đầu tư công nghệ cao (CNC) từ các Tập đoàn lớn nổi tiếng thế giới như: Canon, Foxconn, MITAC, Panasonic, Sanyo, Wintek, UMEC, Tenma, Mitsui, VS, Sentec, Toyo Ink, Yamato Industries, …

Trong thời gian tới, KBC sẽ không ngừng tăng cường mở rộng đầu tư và phát triển các dự án lớn để tăng quỹ đất ở một số tỉnh như Long An, Hải Dương, Hưng Yên, Vũng Tàu… nhằm mục đích phát triển thương hiệu KINHBACCITY mang tầm quốc tế, luôn là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực quản lý và phát triển Khu công nghiệp, Khu đô thị.
Dự kiến trong năm 2023, doanh thu KBC sẽ tăng mạnh nhờ bàn giao 146ha tại các KCN Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh và Tân Phú Trung và dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Nếnh, tỉnh Bắc Giang. KCN Quang Châu sẽ là dự án trọng điểm trong năm 2023 với diện tích đất công nghiệp bàn giao dự kiến hơn 77ha và doanh thu ước đạt 2.460 tỷ đồng.
Thách thức phải đối mặt của KBC
- Dù KBC có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu thấp hơn so với các công ty cùng ngành nhưng cần lưu ý rằng hơn một nửa số nợ của công ty là nợ ngắn hạn, trong đó có 2.900 tỷ đồng trái phiếu (tương đương 74% dư nợ trái phiếu hiện tại) sẽ đáo hạn trong nửa đầu năm 2023. Điều này sẽ tạo áp lực đáng kể cho thanh khoản cho KBC.
- Trái phiếu cũng là vấn đề nan giải đối với KBC. KBC vừa công bố kế hoạch mua lại trước hạn trái phiếu có mã KBCH2123002 vào ngày 5/4, sớm hơn gần ba tháng so với kế hoạch. Nhưng ngoài lô trái phiếu trên, doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam hiện vẫn còn lô trái phiếu riêng lẻ mang mã hiệu KBCH2124003 có giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng (do Chứng khoán An Bình thu xếp) với lãi suất 10%/năm, dự kiến đáo hạn vào ngày 11/11/2024.

CÔNG TY CP TẬP ĐOÀN ĐẤT XANH (DXG)
Thông tin cơ bản về DXG
- Mã cổ phiếu: DXG
- Sàn niêm yết: HOSE
- https://www.datxanh.vn/
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) tiền thân là Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh được thành lập năm 2003. Trải qua nhiều năm phát triển, DXG đã trở thành một trong những doanh nghiệp phát triển nhanh trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về phân phối đất dự án, căn hộ. Cổ phiếu của công ty chính thức được niêm yết giao dịch trên sàn HOSE năm 2009, với mã chứng khoán là DXG.
Vị thế của DXG trong ngành
- Tập đoàn Đất Xanh là một trong những đơn vị hoạt động bất động sản chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, đang dần hoàn thiện hệ sinh thái toàn diện theo chuỗi giá trị từ Đầu tư – Xây dựng – Dịch vụ.
- DXG cũng là là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về phân phối đất dự án, căn hộ, là đơn vị dẫn đầu tại Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.
- DXG hiện sở hữu hệ thống phân phối hàng đầu Việt Nam với hệ thống các chi nhánh, công ty thành viên, công ty liên kết, công ty liên doanh hoạt động trên khắp cả nước.
- DXG có những dự án nổi bật như: Khu đô thị 37 ha Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), Khu đô thị 260 ha Yên Dũng (Bắc Giang), Dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh (Khánh Hòa), Gem Sky World (Đồng Nai), Khu đô thị công nghiệp 1,420ha Hậu Nghĩa (Long An), cùng nhiều dự án khác.

Triển vọng của DXG trong thời gian tới
Gem Riverside và Gem Premium là hai dự án lớn của DXG thuộc phân khúc cao cấp đã hoàn thiện pháp lý sau nhiều năm hoãn lại và sẽ lần lượt được mở bán trong Q3/22 và 2024. Với quỹ đất còn hạn chế tại khu vực nội thành ven sông Sài Gòn, nên hai dự án này sẽ được hưởng lợi nhờ đà tăng giá và sẽ là động lực tăng trưởng, đóng góp doanh thu lớn cho DXG trong giai đoạn 2024 – 2026.
Ước tính, trong giai đoạn nửa cuối năm 2022-2027, sẽ có khoảng 27 dự án lớn của DXG được mở bán với tổng mức đầu tư đạt 745,5 nghìn tỷ đồng, với quỹ đất ước đạt hơn 4.545 ha chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam.

Rủi ro phải đối mặt của DXG
- DXG sẽ phải đối mặc với những vướng mắc liên quan đến pháp lý dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh: các thủ tục pháp lý gặp nhiều bất cập dẫn đến việc vẫn chưa có nhiều dự án mới được giới thiệu ra thị trường.
- Ngoài ra, thách thức chung của ngành bất động sản sẽ ảnh hưởng lớn đến DXG, gồm: 1) lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà, 2)giá vật liệu tăng có thể làm tăng giá nhà ở và 3) thắt chặt các khoản vay ngân hàng ở lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN C.E.O (CEO)
Thông tin cơ bản về CEO
- Mã chứng khoán: CEO
- Sàn niêm yết: HNX
- Website: http://ceogroup.com.vn/
Một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam tiếp theo là CEO. Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O, có tiền thân là Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng và Công nghệ Việt Nam (VITECO), được thành lập ngày 26/10/2001, với số vốn điều lệ ban đầu là 1,6 tỷ đồng. Năm 2007, công ty chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần với tên gọi Công ty Cổ phần Đầu tư C.E.O. Và đến ngày 21/4/2015, Công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O.
CEO được biết đến là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản thương mại. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng tham gia vào các lĩnh vực bổ trợ cho ngành nghề kinh doanh chính như cung cấp dịch vụ quản lý khách sạn và xây dựng.
Vị thế của CEO trong ngành
- Tập đoàn CEO là chủ sở hữu của Trường Cao đẳng Đại Việt, với cơ sở vật chất đồng bộ, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhiều giàu kinh nghiệm. Các dự án của CEO tập trung chính ở Hà Nội, Quảng Ninh, Kiên Giang, Hà Nam, Nha Trang và Quảng Bình.
- Trải qua 21 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn CEO đã vươn lên trở thành một trong những thương hiệu bất động sản uy tín hàng đầu trong nước, liên tục lọt top xếp hạng 149 trong Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2020, góp mặt trong Bảng xếp hạng PROFIT500 – TOP 500 Doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022…
- Trong lĩnh vực bất động sản, CEO sở hữu nhiều công trình với mô hình khép kín “All in one” như Sonasea Villas & Resort tại Phú Quốc hay Sonasea Vân Đồn Harbor City tại Vân Đồn đã góp phần các vùng đất thành những trung tâm nghỉ dưỡng mới thu hút du khách trong nước và quốc tế, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và cả thế giới.
- Hiện tại, tập đoàn CEO đã có 14 đơn vị thành viên trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O là Công ty mẹ, các công ty con bao gồm:
Các công ty thành viên của CEO
Các dự án tiêu biểu của CEO
- Dự án Bất động sản Đô thị: Tháp Ceo, Ceohomes Sunny Garden City, Bamboo Garden, Ceohomes River Silk City, Ceohomes Hana Garden, Ceohomes Diamond Hill, Ceohomes Kiên Giang City.
- Dự án Bất động sản nghỉ dưỡng: Sonasea Villas&Resort, Novotel Phu Quoc Resort, Novotel Villas, Best Western Premier Sonasea Phu Quoc, Sonasea Paris Villas, Sonasea Shopping Center, Sonasea Vân Đồn Harbor City, Sonasea Vân Đồn Complex, Singapore Shoptel, Sonasea Premier Nha Trang, Sonasea Quảng Bình Resort.
Thách thức mà CEO phải đối mặt
- Ở phân khúc nghỉ dưỡng, CEO có quỹ đất 7,9ha tại Bãi Dài, Cam Ranh, Khánh Hòa để triển khai dự án Khu du lịch Green Hotel & Resort. Đây là dự án hoàn vốn cho dự án hệ thống thu gom xử lí nước thải Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh do Tập đoàn C.E.O mua lại, trong đó có 16.976 m2 là đất ở không hình thành đơn vị ở. Mặc dù vậy, dự án này đang gặp một số vướng mắc về pháp lý khi Khánh Hoà thu hồi hoặc cải sửa một số văn bản, quyết định hành chính liên quan đến đất ở không hình thành đơn vị ở.
- CEO cũng liên tục phải đối mặt với (1) Gánh nặng lãi vay và (2) Chi phí cho lợi thế thương mại từ việc hợp nhất và M&A các dự án. Điều này càng gây lên áp lực nặng nề đối với lợi nhuận của CEO trong bối ảnh hưởng từ dịch Covid-19 vẫn chưa được cải thiện.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ NAM LONG (NLG)
Thông tin cơ bản về Nam Long
- Mã cổ phiếu: NLG
- Sàn niêm yết: HOSE
- Website: https://www.namlongvn.com/
Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long có tiền thân là Công ty TNHH Nam Long được thành lập năm 1992. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, phát triển và kinh doanh các dự án bất động nhà ở, khu đô thị. NLG bắt đàu chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2005. Cổ phiếu NLG được niêm yết và giao dịch trên sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) từ năm 2013.
Vị thế của Nam Long trong ngành
- NLG hiện đang sở hữu 650 hecta đất sạch tại Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ; Hải Phòng; đứng thứ 2 tại thị trường Việt Nam về quỹ đất dành cho phát triển khu đô thị và nhà ở.
- Hiện tại, Nam Long cũng tập trung tích lũy các quỹ đất tại các tỉnh thành trọng điểm có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh, hạ tầng kết nối liên vùng, nhu cầu thị trường tiềm năng với tốc độ tăng dân số cơ học cao.
- Các căn hộ NLG sở hữu thuộc quỹ căn hộ cho phân khúc trung cấp và bình dân, đây là điểm mạnh vì những phân khúc này được thúc đẩy bởi nhu cầu thực ở người dân.
- Một số dự án lớn có thể kể đến: Water point, Akari City, Nhà phố và biệt thự Rivera 2, Mizuki Park, Ehome 1,2,3.

Điểm mạnh của NLG có ít rủi ro nào về khả năng thanh khoản, vì tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở chỉ ở mức thấp chỉ 5% (so với mức trung bình của các DN trong ngành là 40-45%), tỷ trọng tiền và các khoản tương đương tiền cao ở mức 4.179 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng tài sản tính đến cuối 2022.
Thách thức mà Nam Long phải đối mặt
- Các sự cố liên quan BĐS của các chủ đầu tư và chính quyền địa phương ở Đồng Nai và Cần Thơ đã làm chậm quá trình phê duyệt ba dự án trọng điểm của NLG là Paragon Đại Phước, Izumi City và Cần Thơ 43ha.
- Báo cáo tài chính quý cho thấy, NLG tổng nợ tính đến quý 3/2022 hơn 12.600 tỷ đồng/12.921 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn là 8.196 tỷ đồng. Trong ngắn hạn, NLG sẽ không gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ do doanh số bán hàng lớn. Nhưng trong dài hạn, NLG sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn, khiến doanh nghiệp này phải huy động qua trái phiếu. Việc phát hành thêm trái phiếu sẽ khiến nợ phải trả của NLG ngày càng phình to, tiềm ẩn rủi ro tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Đầu năm 2022, NLG đã phát hành thành công 500 tỷ trái phiếu kỳ hạn 7 năm với lãi suất 9,35%/năm.
CTCP ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH NHÀ KHANG ĐIỀN (KDH)
Thông tin cơ bản về Nhà Khang Điền
- Mã cổ phiếu: KDH
- Sàn niêm yết: HOSE
- Website: https://www.khangdien.com.vn/
Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) là doanh nghiệp được thành lập vào năm 2001. Công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư phát triển và kinh doanh bất động sản nhà ở. Khang Điền chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2007, và cổ phiếu KDH đã được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) từ năm 2010.
Vị thế của Nhà Khang Điền trong ngành
- KHD được biết đến là một doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam sở hữu quỹ đất lớn, có vị trí tiềm năng tại TP.HCM (gồm khoảng 600ha đất khu dân cư và 110ha đất cho khu công nghiệp tính đến cuối 2022. Những lo đất này đều rất minh bạch về pháp lý, nên sẽ giúp KDH nắm bắt tốt nhu cầu sử dụng BĐS như nơi “trú ẩn” lạm phát.
- KDH cũng đang sở hữu quỹ căn hộ cho phân khúc trung cấp, phân khúc này được thúc đẩy bởi nhu cầu sử dụng thực của người dân. Các chương trình mở bán dự án của Công ty luôn được thị trường đón nhận, khách hàng sẵn lòng trả một mức giá hợp lý.

Thách thức phải đối mặt của Nhà Khang Điền
- Việc triển khai dự án mới chậm hơn dự kiến trong bối cảnh nhu cầu nhà ở suy yếu là thách thức lớn đối với KDH thời gian qua.
- Rủi ro pháp lý và tiến độ dự án Tân Tạo: Dự án Tân Tạo là dự án rất lớn về cả quỹ đất và tổng vốn đầu tư. Trong dài hạn dự án này được kỳ vọng là động lực lớn nhất giúp KDH vươn mình trở thành công ty hàng đầu trên thị trường, tuy nhiên trong ngắn hạn việc triển khai có thể còn nhiều phức tạp do quy mô lớn làm tổng mức đầu tư có thể cao hơn dự tính (7700 tỷ đồng).
CTCP TẬP TOÀN KHẢI HOÀN LAND (KHG)
Thông tin cơ bản về Khải Hoàn Land
- Mã chứng khoán: KHG
- Sàn niêm yết: Hose
Doanh nghiệp bất động sản tiếp theo là KHG. Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land (KHG) là một doanh nghiệp bất động sản được thành lập năm 2009 và hoạt động chính trong lĩnh vực môi giới và đầu tư bất động sản. KHG không những là đối tác tin cậy của Vinhomes, mà còn nhiều đơn vị chủ đầu tư trong và ngoài nước như: Keppel Land, Sunshine, Kiến Á, Lotte, Vạn Phát Hưng,…
Vị thế của Khải Hoàn Land trong ngành
Khải Hoàn Land được biết đến là nhà phân phối tiếp thị bất động sản hàng đầu tại Sài Gòn, phục vụ trên 50.000 khách hàng thường xuyên. Doanh nghiệp này sở hữu 4 kênh phân phối chính bao gồm: Hệ thống Sàn truyền thống Khải Hoàn Land, Hệ thống Khải Hoàn Land Plus, Hệ thống công ty con, công ty liên kết; Hệ thống sàn liên kết, cộng tác viên, sàn trung tâm… Ngày 06/09/2021, mã chứng khoán KHG chính thức được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE);

Hiện tại Khải Hoàn Land đang ký với Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh, CTCP Bất động sản Khải Minh Land; Công ty TNHH Cộng đồng môi giới và Công ty TNHH Đầu tư phát triển Solution.
- Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh đang hợp tác kinh doanh cùng Khải Hoàn Land ở Dự án La Partenza. Trong đó Khải Hoàn Land đầu tư góp vốn 800 tỷ đồng vào dự án La Partenza để nhận về 450 căn hộ. Theo quy trình, Giao Hưởng Xanh là chủ đầu tư Dự án Partenza còn Khải Minh Land là đơn vị bất động sản thực hiện thu chi, phân phối độc quyền dự án. Dự án La Partenza có tổng diện tích 18.412,6m2 với quy mô 3 tòa tháp cao từ 25-27 tàng, gồm 1.296 căn hộ.
- CTCP Bất động sản Khải Minh Land hợp tác kinh doanh cùng trong Dự án Khu đô thị mới và tổ hợp dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng Tân Quới tại Thị trấn Tân Quới, huyện Bình Tân, Vĩnh Long. Ngoài ra còn hợp tác kinh doanh về Dự án T&T Phố Nối tại Thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
- Công ty TNHH Cộng đồng Môi Giới có hợp tác kinh doanh về Dự án T&T Complex tại số 120 Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội và Dự án T&T Victoria số 1 đường Quang Trung, Tp Vinh, Nghệ An. T&T Victoria do Tập đoàn T&T Group làm chủ đầu tư, Khải Hoàn Land là đơn vị phát triển và phân phối độc quyền. Dự án có tổng diện tích 7.383,8m2 với tòa chung cư 28 tầng với 2 tầng hầm, 5 tầng dưới là tầng thương mại và từ 6-28 là 420 căn hộ.
- Công ty TNHH Đầu tư phát triển Solution có hợp tác kinh doanh về Dự án Khu thương mại biệt thự và chung cư cao cấp T&T City Millennia tại Long Hậu, Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Rủi ro liên mà Khải Hoàn Land phải đối mặt
Trước mắt, Khải Hoàn Land phải chịu áp lực tài chính khi các lô trái phiếu tổng trị giá 800 tỷ đồng nêu trên đều đến ngày đáo hạn. Cụ thể:
- Lô trái phiếu BOND.KHL2020 có tổng trị giá 200 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, phát hành vào tháng 2 và tháng 3/2020. Như vậy các lô trái phiếu này đều có thời gian đáo hạn trong quý 1/2023 này.
- Lô trái phiếu KHGH2123001 có tổng giá trị 300 tỷ đồng được phát hành vào 5/10/2021 có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào tháng 4/2023. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Lãi suất danh nghĩa cố định 12%/năm.
- Lô trái phiếu KHGH2123002 có tổng giá trị 300 tỷ đồng, bắt đầu phát hành từ 22/12/2021, hoàn tất phát hành vào 10/3/2022. Trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào 22/6/2023.
Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền đến 31/12/2022 còn gần 200 tỷ đồng, bao gồm gần 96 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng và 100 tỷ đồng gửi kỳ hạn 1 tháng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội. Tổng các khoản phải thu ngắn hạn hơn 1.500 tỷ đồng. Vì các khoản phải thu quá lớn khiến dòng tiền kinh doanh năm 2022 của KHG âm tới 1.025 tỷ đồng (năm thứ 2 âm liên tiếp). Dòng tiền kinh doanh âm nghĩa là lợi nhuận chỉ ghi nhận trên sổ sách chứ không thu được tiền mặt về. Để có tiền hoạt động, doanh nghiệp phải trông cậy vào các dòng vốn khác.
*** Theo cập nhật mới nhất thì lô trái phiếu BOND.KHL2020 đã được Khải Hoàn Land tất đoán đúng hạn. Điều này sẽ giúp thị trường có thêm nhiều niềm tin và đánh giá cao hơn về uy tín thương hiệu, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp này. ***
Trên đây là danh sách top doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam hiện nay. Mong rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết trong việc xem xét, đánh giá các doanh nghiệp, từ đó có lựa chọn đầu tư hợp lý. Danh sách trên đây không phải là lời khuyên/khuyến nghị đầu tư, vì vậy trước khi lựa chọn đầu tư vào bất cứ doanh nghiệp bất động sản nào, bạn cũng cần phải research kỹ một lần nữa và có kế hoạch đầu tư phù hợp. Nếu còn có gì thắc mắc, hãy để lại bình luận bên dưới bài viết để góp ý với chúng mình nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bài và chúc bạn đầu tư thành công.